I. GIỚI THIỆU
Ngôi nhà Ánh Dương là trung tâm dịch vụ một cửa cung cấp các dịch vụ tích hợp, thiết yếu và toàn diện cho người bị bạo lực trên cơ sở giới, bao gồm các dịch vụ y tế, xã hội, tư pháp và bảo vệ; là mô hình được vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế và cung cấp các dịch vụ thích hợp, thiết yếu, toàn diện để hỗ trợ cho người bị bạo lực.
Hiện nay, Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa đã thiết lập đường dây nóng miễn phí 18001744 hoạt động 24/7 để tiếp nhận, tư vấn tâm lý, kết nối các nguồn lực hỗ trợ cho người bị bạo lực trên cơ sở giới.
II. ĐỐI TƯỢNG
- Người bị bạo lực gia đình;
- Nạn nhân bị xâm hại tình dục;
- Nạn nhân bị ngược đãi, bạo hành;
- Nạn nhân bị buôn bán;
- Nạn nhân bị cưỡng bức lao động.
III. QUY TRÌNH THỰC HIỆN HỖ TRỢ
Quy trình hỗ trợ người bị bạo lực trên cơ sở giới tại Ngôi Nhà Ánh Dương Thanh Hóa gồm 06 bước, cụ thể như sau:
Bước 1: Phát hiện nạn nhân bị bạo lực giới:
Tất cả cán bộ, nhân viên Ngôi nhà Ánh Dương có trách nhiệm phát hiện hoặc tiếp nhận thông tin người bị bạo lực trên cơ sở giới trực tiếp do họ báo hoặc gián tiếp qua tất cả các kênh thông tin (có thể qua mạng internet, người dân báo tin, chính quyền địa phương, các đoàn thể, tổng đài 18001744...)
Bước 2. Tiếp nhận và xử lý thông tin ban đầu
Cán bộ, nhân viên hoặc các cá nhân phát hiện hoặc tiếp nhận thông tin NGƯỜI BỊ BẠO LỰC tiến hành các hoạt động sau:
- Chủ động thu thập thông tin, thực hiện các hoạt động để hỗ trợ đến mức tối đa NGƯỜI BỊ BẠO LỰC tạm thời không tiếp tục bị bạo lực. Sau đó xác minh thông tin, nếu thông tin chính xác thì thực hiện báo cáo Lãnh đạo, Điều phối viên của Mô hình về vụ việc.
- Cán bộ, nhân viên thực hiện hoạt động đánh giá mức độ rủi ro, xác định nhu cầu và cung cấp thông tin về các dịch vụ hỗ trợ cho NGƯỜI BỊ BẠO LỰC. Căn cứ nhu cầu của NGƯỜI BỊ BẠO LỰC thực hiện lựa chọn 2 cấp độ hỗ trợ như sau:
+ Cấp độ 1: Cấp độ hỗ trợ khẩn cấp (Bước 3) và cung cấp dịch vụ thiết yếu tại ngôi nhà Ánh Dương (Bước 4)
+ Cấp độ 2: Cấp độ hỗ trợ, can thiệp tại cộng đồng
Bước 3: Hỗ trợ khẩn cấp
Khi NGƯỜI BỊ BẠO LỰC có nhu cầu tạm lánh tại Ngôi nhà Ánh Dương, cán bộ, nhân viên bố trí nơi tạm lánh an toàn cho NGƯỜI BỊ BẠO LỰC. Trong trường hợp NGƯỜI BỊ BẠO LỰC cần hỗ trợ giải cứu hoặc cấp cứu, cán bộ, nhân phối hợp với chính quyền địa phương (bao gồm công an, phụ nữ, trưởng thôn…) để kịp thời hỗ trợ.
Bước 4: Cung cấp các dịch vụ xã hội thiết yếu tại Ngôi nhà Ánh Dương
Cán bộ, nhân viên tiếp nhận NGƯỜI BỊ BẠO LỰC, thực hiện phiếu tham vấn, thu thập thông tin và thực hiện đánh giá mức độ rủi ro. Thực hiện ghi chép lưu trữ thông tin theo nguyên tắc bảo mật. Căn cứ kết quả đánh giá để tư vấn cho NGƯỜI BỊ BẠO LỰC về việc tạm lánh tại Ngôi nhà Ánh Dương
- Đối với NGƯỜI BỊ BẠO LỰC không có nhu cầu tạm lánh tại Ngôi nhà Ánh Dương
+ Cán bộ, nhân viên thực hiện hoạt động cung cấp thông tin, tư vấn, tham vấn tâm lý, kết nối các dịch vụ hỗ trợ dựa trên nhu cầu của NGƯỜI BỊ BẠO LỰC.
+ Cán bộ, nhân viên thực hiện thăm khám ban đầu và chăm sóc sơ bộ vết thương nếu NGƯỜI BỊ BẠO LỰC có nhu cầu cần hỗ trợ. Chuyển hồ sơ về NGƯỜI BỊ BẠO LỰC sau khi thăm khám, chăm sóc để thực hiện lưu trữ hồ sơ theo quy định.
- Đối với NGƯỜI BỊ BẠO LỰC có nhu cầu tạm lánh tại ngôi nhà Ánh Dương
Các dịch vụ thiết yếu được cung cấp cho NGƯỜI BỊ BẠO LỰC bao gồm:
1. Dịch vụ tạm lánh an toàn và chăm sóc tạm thời
- Nhân viên tại Ngôi nhà ánh Dương phối hợp thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, chăm sóc tạm thời và sắp xếp nơi tạm lánh an toàn cho NGƯỜI BỊ BẠO LỰC theo sự phân công, chỉ đạo của Điều phối viên và Lãnh đạo.
- NGƯỜI BỊ BẠO LỰC tạm lánh an toàn tại Ngôi nhà Ánh Dương với khoảng thời gian tùy thuộc vào vấn đề và nhu cầu hỗ trợ của từng trường hợp, nhưng tối đa không quá 30 ngày.
- Cán bộ, nhân viên có trách nhiệm xây dựng kế hoạch hỗ trợ và dự kiến thời gian tạm lánh của NGƯỜI BỊ BẠO LỰC, báo cáo Điều phối viên và Lãnh đạo.
2. Dịch vụ y tế
Nhân viên y tế kiểm tra y tế và thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NGƯỜI BỊ BẠO LỰC, nếu phát hiện những tổn thương nghiêm trọng mà Ngôi nhà Ánh Dương không đáp ứng điều kiện chăm sóc thì thông tin với cán bộ, nhân viên và báo cáo với Điều phối viên và lãnh đạo để thực hiện các thủ tục chuyển tuyến và hỗ trợ NGƯỜI BỊ BẠO LỰC theo quy định
- Dịch vụ xã hội
Cán bộ, nhân viên thực hiện các hoạt động sau dụa trên nhu cầu và nguyên tắc lấy NGƯỜI BỊ BẠO LỰC là trung tâm:
- Thông tin về dịch vụ, nguyên tắc trợ giúp, nội quy của ngôi nhà Ánh Dương;
- Cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức về quyền của NGƯỜI BỊ BẠO LỰC, các thông tin liên quan đến Luật: Bình đẳng giới. hông nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, các chính sách, dịch vụ hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới…
- Tư vấn, tham vấn, ổn định tâm lý;
- Cung cấp kỹ năng sống;
- Xây dựng kế hoạch hỗ trợ trên cơ sở thống nhất các nội dung với NGƯỜI BỊ BẠO LỰC và các quy định, chính sách và chế độ hiện hành của đơn vị và của pháp luật;
- Tham mưu, phối hợp với các bên liên quan: trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh Thanh Hóa, công an, tư pháp các xã, phường, thị trấn, thành phố…
- Quản lý và đánh giá trường hợp, tham mưu cho Điều phối viên và Lãnh đạo phối hợp thực hiện chuyển tuyến tới dịch vụ chuyên biệt trong trường hợp cần thiết (Bước 5)
- Đánh giá điều kiện hòa nhập cộng đồng, xây dựng kế hoạch hòa nhập cộng đồng của NGƯỜI BỊ BẠO LỰC (Bước 6)
- Thực hiện lưu trữ hồ sơ theo quy định.
Bước 5: Chuyển tuyến lên (hoặc sang) dịch vụ chuyên biệt hơn
Nhân viên có trách nhiệm tham mưu, phối hợp với các phòng ban, đơn vị liên quan để thực hiện các thủ tục kết nối, chuyển tuyến hỗ trợ NGƯỜI BỊ BẠO LỰC trong các trường hợp sau:
+ NGƯỜI BỊ BẠO LỰC bị tổn thương nghiêm trọng về thể chất và sức khỏe tâm thần;
+ NGƯỜI BỊ BẠO LỰC cần thu thâp chứng cứ, truy tố hình sự đối với người gây bạo lực;
+ NGƯỜI BỊ BẠO LỰC là người cao tuổi;
+ NGƯỜI BỊ BẠO LỰC không có công việc, nghề nghiệp
+ NGƯỜI BỊ BẠO LỰC là nạn nhân của mua bán người
Bước 6: Hòa nhập cộng đồng
- Khi NGƯỜI BỊ BẠO LỰC có đơn đề nghị ra khỏi Ngôi nhà Ánh Dương trở về cộng đồng, cán bộ, nhân viên tiến hành đánh giá điều kiện hòa nhập cộng đồng và phối hợp xây dựng kế hoạch hòa nhập cộng đồng trên cơ sở có sự tham gia của NGƯỜI BỊ BẠO LỰC, sau đó trình Lãnh đạo phê duyệt.
- Kết thúc hoạt động hỗ trợ tạm lánh, chăm sóc tạm thời, tư vấn, tham vấn và can thiệp, hỗ trợ cho NGƯỜI BỊ BẠO LỰC tại Ngôi nhà Ánh Dương
- Hoàn thiện thủ tục, đóng ca và lưu trữ, bảo mật hồ sơ theo quy định
- Theo đõi, duy trì liên hệ với NGƯỜI BỊ BẠO LỰC; phối hợp, chuyển gửi thông tin, kế hoạch hòa nhập cộng đồng của NGƯỜI BỊ BẠO LỰC để thực hiện các hoạt động trợ giúp trog trường hợp NGƯỜI BỊ BẠO LỰC tiếp tục cần sự hỗ trợ tại cộng đồng.

IV. GIẢI QUYẾT CÁC TRƯỜNG HỢP ĐẶC BIỆT
1) Trường hợp NGƯỜI BỊ BẠO LỰC chết trong thời gian tạm lánh tại Ngôi nhà Ánh Dương: cán bộ, nhân viên tham mưu văn bản cho Lãnh đạo quản lý trực tiếp báo cáo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để thực hiện giải quyết theo các quy định của pháp luật.
2) Trường hợp đối tượng bỏ đi: Nhân viên báo cáo Điều phối viên và Lãnh đạo; liên hệ tối thiểu 03 lần với NGƯỜI BỊ BẠO LỰC và người thân của NGƯỜI BỊ BẠO LỰC; Trong trường hợp vẫn không liên lạc được thì thực hiện thủ tục dừng chăm sóc, can thiệp hỗ trợ tại Ngôi nhà Ánh Dương
3) Trường hợp cấp cứu: Trong trường hợp NGƯỜI BỊ BẠO LỰC cần cấp cứu, tổn thương nặng vượt quá khả năng chăm sóc y tế tại Ngôi nhà ánh Dương thì nhân viên y tế của Ngôi nhà Ánh Dương có trách nhiệm báo cáo Lãnh đạo Trực tiếp và để chuyển gửi đối tượng đến các cơ sở y tế phù hợp để được thăm khám và điều trị.
4) Trường hợp bị đe dọa: Trong quá trình NGƯỜI BỊ BẠO LỰC tạm lánh tại Ngôi nhà Ánh Dương vẫn bị các đối tượng khác đến đe dọa thì nhân viên của Ngôi nhà Ánh Dương báo cáo lãnh đạo trực tiếp và phối hợp với cơ quan công an gần nhất để có biện pháp đảm bảo sự an toàn, ổn định cho NGƯỜI BỊ BẠO LỰC.