Nâng cao năng lực về công tác xã hội trong phòng chống, ứng phó với mua bán người – Trách nhiệm và sứ mệnh nhân văn.
Trong các ngày từ 21/4 đến ngày 25/4/2025, Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ngọc Lặc tổ chức Chương trình Hội nghị truyền thông nâng cao năng lực với chủ đề: “Công tác xã hội trong ứng phó với mua bán người tại cộng đồng” trên địa bàn 10 xã của huyện Ngọc Lặc.
Page Content
Trong bối cảnh tình trạng mua bán người ngày càng diễn biến phức tạp trên địa bàn toàn tỉnh nhất là các xã biên giới, việc mua bán người trái phép đã để lại những hệ lụy khôn lường đối với các gia đình nạn nhân và toàn xã hội. Việc nâng cao năng lực công tác xã hội cho cộng tác viên và người dân trong việc phòng ngừa, phát hiện sớm để ứng phó với nạn mua bán người đã trở thành nhiệm vụ cấp bách, đặt ra yêu cầu lớn cho cộng đồng, xã hội cũng như các cơ quan chức năng. Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của vấn đề này, với chức năng nhiệm vụ được giao, Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Thanh Hóa (sau đây gọi tắt là Trung tâm) đã nghiên cứu, xây dựng và triển khai chuyên đề “Nâng cao năng lực về Công tác xã hội trong ứng phó với mua bán người tại cộng đồng” tổ chức các Hội nghị truyền thông thiết thực, nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cộng tác viên và người dân tại cơ sở.

Chương trình được tổ chức thực hiện tại địa bàn 10 xã của huyện Ngọc Lặc, gồm: Vân Am, Mỹ Tân, Cao Ngọc, Thị Trấn, Ngọc Trung, Lam Sơn, Thúy Sơn, Minh Tiến, Nguyệt Ấn, Kiên Thọ, đã thu hút được sự quan tâm, tham gia hưởng ứng, trao đổi, chia sẻ và ủng hộ hết sức tích cực của hơn 500 lượt người dân, cộng tác viên công tác xã hội và các đối tượng khác tham dự.


Thông qua các Hội nghị truyền thông, người dân và cán bộ công tác xã hội tại địa phương đã được trang bị những kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về nạn mua bán người, bao gồm các thủ đoạn ngày càng tinh vi của tội phạm và những hậu quả nghiêm trọng về thể chất, tinh thần, kinh tế mà nạn nhân cùng gia đình họ phải gánh chịu. Trên cơ sở đó, các báo cáo viên đã cùng người dân thảo luận các tình huống thực tiễn, xây dựng giải pháp cụ thể nhằm nâng cao năng lực nhận diện sớm, chủ động phòng ngừa và ứng phó hiệu quả với nguy cơ mua bán người ngay từ cộng đồng. Chương trình không chỉ cung cấp những giá trị tri thức quý báu mà còn khơi dậy tinh thần nhân ái, sẻ chia và trách nhiệm cộng đồng, khẳng định vai trò then chốt của mỗi cá nhân trong việc trở thành “cầu nối nhân văn”, chủ động tuyên truyền, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân, từng bước xây dựng một xã hội an toàn, nhân văn, bền vững – nơi không ai trở thành nạn nhân của tệ nạn mua bán người./.
Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Thanh Hóa.